Wednesday 2 March 2011

Nguyên tắc "less is more" của thương hiệu cao cấp


Một trong những đặc tính của con người là đố kỵ. Chúng ta cảm thấy ghen tỵ với thành công của người khác, bởi vì bản thân ta cũng muốn đạt được những thành công đó.

Nhà văn kiêm nhà bình luận chính trị người Mỹ Gore Vidal đã từng viết:“Mỗi khi bạn bè thành công thì dường như một phần trong con người tôi đang chết đi”.

Vậy thương hiệu có liên quan gì đến tâm lý của con người, khi chúng ta đều khao khát giành được sự chú ý và lòng ngưỡng mộ của đám đông? Có lẽ chính những thương hiệu đỉnh cao là một trong những phương tiện có thể giúp mọi người thỏa mãn mong muốn này.


Những thương hiệu cao cấp (Very Important Brands - VIB) hướng đến việc tách biệt khách hàng của mình ra khỏi đám đông thông qua những biểu hiện về sự giàu có và địa vị. Nếu trước kia, những món ăn trong bữa tối có thể nói lên nhiều điều về bạn, thì ngày nay, khái niệm “con người bạn thể hiện qua những món hàng bạn mua” đã vào thay thế.

Trong thời đại của quảng cáo, của xã hội tiêu dùng ngày nay, những gì bạn sở hữu sẽ nói lên đẳng cấp của bạn. Nếu một người đi xe hiệu BMW đời 7, sử dụng phục trang của hãng Louis Vuitton, đeo đồng hồ Thụy Sỹ có mác Rolex, thì dù cố tình hay vô ý họ cũng tự tách biệt mình ra khỏi đa số những người đi xe bình dân, mặc quần áo được sản xuất đại trà và xem giờ bằng những chiếc đồng hồ “không tên tuổi”.

Tuy không ai trong chúng ta muốn công khai thừa nhận, nhưng chúng ta đều rất khát khao được cảm thấy mình đứng cao hơn người khác. Những chuyên gia quảng cáo là người hiểu được điều này một cách thấu đáo nhất. Các thương hiệu được gán cho những từ như “sang trọng”, “quý phái”, “cao cấp” nhằm làm cho con người cảm thấy thỏa mãn hơn một chút về quyết định của họ khi bỏ tiền ra mua món hàng. Bằng cách đó, uy tín thương hiệu đã thoả mãn mong muốn của con người một cách tinh tế.

Chúng không cạnh tranh bằng giá cả hay tiện ích, mà tác động vào tâm thức và cảm nhận của người tiêu dùng. Hẳn bạn cũng nhận thấy rằng thương hiệu VIB đang bán cho người tiêu dùng một giá trị xa xỉ nhưng vô hình. Thực ra, xe hơi BMW7 cũng chỉ mang lại những tiện nghi mà Volkswagen có, trong khi giá cả của dòng xe hạng doanh nhân kia lại đắt hơn gấp 3 lần. Các thương hiệu thời trang cao cấp cũng là một ví dụ điển hình cho nhận định trên, bởi hầu như chưa bao giờ người ta mua chiếc áo hiệu Chanel chỉ vì giá trị sử dụng thực sự của nó.

Trong cuốn sách nổi tiếng mang tựa đề The Blank Slate của mình, nhà tâm lý học Steven Pinker đã liên hệ ý thức về địa vị của con người với ý nghĩa hành vi của các loài vật, chẳng hạn như loài chim công. Ông viết: “Chỉ có những con công trống cường tráng nhất mới sở hữu bộ lông kềnh càng và đẹp mắt. Công mái sẽ chú ý vào mức độ sặc sỡ cũng như độ lớn chiếc đuôi của những anh chàng công trống để chọn ra kẻ xứng đáng nhất cho nó”. Tương tự như thế, con người dùng các thương hiệu tiếng tăm để trang trí cho “cái đuôi” rực rỡ của mình và dường như mức độ xa xỉ của các món đồ trang sức ấy luôn tỷ lệ thuận với sự sành điệu và giàu sang của chủ nhân.

Để có thể thu lợi nhuận nhiều hơn, các công ty phải tìm cách gia tăng doanh số và tìm kiếm thêm nhiều đối tượng khách hàng mới. Lúc này, các thương hiệu VIB sẽ phải đối mặt với một thách thức khác: thị trường càng được mở rộng, càng có thêm nhiều khách hàng thì lợi nhuận càng có nguy cơ sụt giảm và thương hiệu … mất giá. Vì sao vậy? Nguyên nhân ở chỗ nếu có quá nhiều người mua các sản phẩm sang trọng đó thì sẽ dẫn đến việc một lúc nào đó, nó sẽ trở thành thương hiệu đại chúng chứ không còn là thương hiệu VIB nữa và những khách hàng này cũng sẽ không tiếp tục mua. Bạn hãy thử tưởng tượng, khi mọi người đều đeo kính hiệu Gucci, dùng túi xách Christian Dior, mặc trang phục của Dolce & Gabbana hết thảy thì liệu những thương hiệu này có còn “làm mưa làm gió” được nhờ tính chất độc đáo, khác biệt của nó nữa không?

Như vậy, các thương hiệu VIB phải làm mọi cách để luôn giữ được đẳng cấp sang trọng của mình, đồng thời vẫn đảm bảo doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, có thương hiệu đã chấp nhận tự “hạ bậc” để sản phẩm của họ có được nhiều khách hàng hơn. Ví dụ hãng Mercedes-Benz đã chơi trò mạo hiểm này khi tung ra những mẫu xe giá rẻ hạng C, E với mục đích vươn tới thị trường bình dân rộng lớn.

Bên cạnh đó, các thương hiệu vẫn có thể áp dụng chiến thuật kép là đi 2 thế cờ cùng lúc. Chẳng hạn như trường hợp của Gucci. Hãng này luôn tuân thủ đúng quy luật chủ đạo của các thương hiệu hạng sang: giới hạn số lượng sản phẩm được cung cấp trên thị trường. Nước hoa mang nhãn hiệu Gucci có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi và những nguời có thu nhập trung bình cũng có thể mua được sản phẩm của hãng này. Thế nhưng đặc biệt đối với quần áo và các phụ kiện mang nhãn mác của nó thì Gucci vẫn chỉ giới hạn cung cấp cho một số ít nhà phân phối và rất khắt khe trong việc chọn lựa các cửa hàng phân phối thời trang cao cấp.

Những nhãn hiệu biết phát huy thế mạnh của chiến lược “càng hiếm càng đắt” (less is more) phải kể đến Harley Davidson.

Harley Davidson có thể chưa được công nhận là thương hiệu sang trọng, song nó là một biểu tượng của sự chuẩn mực và chất lượng, có một địa vị nhất định trong nhận thức của người tiêu dùng. Điều này có được là nhờ Harley Davidson đã biết điều tiết lượng hàng bán ra sao cho người ta có cảm giác rằng không phải dễ dàng để mua được sản phẩm mang nhãn mác của nó.

Một thương hiệu muốn tạo cho người tiêu dùng cảm giác ước ao được sở hữu thì lượng cầu của nó bao giờ cũng phải lớn hơn cung. Thương hiệu được đánh giá là bậc thầy trong việc tạo nhu cầu đó chính là Rolex.

Người ta mang chiếc đồng hồ hiệu Rolex không phải vì nó báo giờ chính xác hơn các loại đồng hồ khác, mà là để khẳng định đẳng cấp và chứng minh sự giàu có của mình, bởi vì nếu so với đồng hồ Porsche, thì chất lượng 2 loại là tương đương.

Các cửa hàng bán lẻ đồng hồ Rolex có mặt khắp nơi trên thế giới, nhưng rồi công ty này đã quyết định cắt giảm số lượng các đại lý phân phối của họ chỉ trong vòng vài năm. Không giống như phần lớn các công ty khác luôn tìm cách mở rộng mạng lưới phân phối, Rolex đã chọn cho mình một lối đi riêng. Kết quả, chỉ còn lại một số rất ít các nhà bán lẻ được Rolex “chọn mặt gửi …đồng hồ” và cho phép phân phối loại hàng này. Nhu cầu mua đồng hồ Rolex ngay sau đó đã tăng vọt làm cho hình tượng và địa vị của thương hiệu Rolex càng vững chắc hơn.

Louis Vuitton là một ngoại lệ đã phá vỡ quy luật “càng hiếm càng đắt” của các nhãn hiệu cao cấp. Dù được sản xuất với số lượng lớn ở các nhà máy của mình trên toàn thế giới, Louis Vuitton vẫn giữ được nét quyến rũ của một nhãn hiệu đáng để người tiêu dùng phải thèm muốn. Đâu là bí mật của hãng này? Câu trả lời là khả năng kiểm soát sản phẩm. Louis Vuitton tự tiến hành tất cả các phân đoạn của quá trình làm ra sản phẩm, từ khâu thiết kế đến phân phối. Việc này không những giữ cho chất lượng luôn ổn định, mà còn đảm bảo thu được lợi nhuận nhiều hơn đối thủ cạnh tranh khoảng 45%. Khả năng tự kiểm soát đó cho phép Louis Vuitton đạt được vị trí mà nó mong muốn, giữ được uy tín của một thương hiệu xa xỉ trong tâm trí người tiêu dùng.

Nguyên tắc “càng hiếm càng đắt”, “thị trường càng rộng lớn thì lợi nhuận càng có nguy cơ sụt giảm” đối với các thương hiệu VIB xem ra vẫn có thể bị vô hiệu hóa bằng những thủ thuật khéo léo nhất trong hoạt động xây dựng thương hiệu. Nếu trong tâm trí của khách hàng, thương hiệu của bạn là “số 1” thì bạn hoàn toàn có thể bán sản phẩm của mình với giá cao, thậm chí cao hơn gấp nhiều lần sản phẩm của những thương hiệu khác cùng chủng loại, ví dụ như gói đồ ăn Happy Meal của McDonald’s. Bạn thấy đấy, tất cả chỉ là vấn đề nhận thức mà thôi.



Nguồn tin: bwportal.com.vn

Thursday 24 February 2011

Làm thế nào để mở rộng thành công thương hiệu của bạn



Hiểu được cách người tiêu dùng đánh giá việc mở rộng thương hiệu có phù hợp với thương hiệu cốt lõi hay không chính là chìa khóa dẫn tới thành công của một thương hiệu mở rộng. Thế nhưng điều đó thật không dễ, bởi tiêu chuẩn “phù hợp” của người tiêu dùng đối với việc mở rộng thương hiệu thường khá nghèo nàn.

Và đây là một vài yếu tố cần được xem xét và quá trình thực hiện như sau:

Vì sao cần mở rộng thương hiệu?

Mở rộng thương hiệu gần như là dựa vào tài sản một thương hiệu để bán sản phẩm mới hoặc dịch vụ mới, chẳng hạn như quần áo chơi gôn Nike, giày Oakley, máy quay kỹ thuật số Sony và quần áo Evian…

Khi theo đuổi chiến lược mở rộng thương hiệu, cho dù có được những lợi ích trước mắt như tận dụng tài sản thương hiệu, mức độ tăng trưởng kinh doanh và kết hợp các đặc tính cốt lõi của thương hiệu, nhưng cũng có thể có những mặt trái của nó.

Đặc biệt là khi thương hiệu mở rộng không phù hợp với thương hiệu cốt lõi thì ngược lại, thương hiệu cốt lõi không những không mang lại những giá trị cho thương hiệu mới mà còn bị loãng đi hoặc thương hiệu cốt lõi sẽ bị gắn chặt với những thuộc tính xấu.

Yếu tố chính để mở rộng thành công thương hiệu là sự phù hợp/đồng dạng với thương hiệu chính. Và dù sao thì việc các nhà quản lý thương hiệu sử dụng các khái niệm của thương hiệu chính làm chuẩn để ra quyết định liệu thương hiệu mới có khả năng phù hợp hay không là điều cần thiết.

Thế nhưng, điều này hoàn toàn trái ngược đối với nhận thức của khách hàng. Đối với các vấn đề phức tạp thế này, các nhà quản lý dường như chưa hiểu đúng hoặc chưa đánh giá đúng các tiêu chuẩn đánh giá của người tiêu dùng và các mong muốn của họ về khả năng phù hợp của thương hiệu mở rộng.

Vậy điều gì là thật sự quan trọng đối với người tiêu dùng?

Khi đánh giá sự phù hợp của thương hiệu mở rộng, có 4 điều mà người tiêu dùng thường quan tâm để xác định thương hiệu mở rộng có phù hợp với thương hiệu chính hay không:

·   Sự phù hợp: là phạm vi những thuộc tính của thương hiệu chính phù hợp hoặc đóng vai trò quan trọng với dãy thương hiệu mở rộng. Lấy ví dụ, chẳng hạn thuộc tính của Starbucks rõ ràng có liên qua đến việc bán cà phê phin, nhưng lại không phù hợp để bán các thiết bị nhà bếp như lò vi ba hay tủ lạnh. Thuộc tính của Coca Cola có liên quan đến việc bán các thức uống nhẹ hoặc soda nhưng lại không phù hợp để bán các loại nước trái cây như nước cam ép.

·   Sự thừa nhận: là sự mở rộng thương hiệu mà khách hàng có thể hiểu được một cách logic vì sao thương hiệu này cần được mở rộng dưới sự kiểm soát của thương hiệu chính. Chẳng hạn nếu thương hiệu chính là McDonalds thì khách hàng dễ dàng hiểu được một cách logic vì sao McDonalds lại mở rộng thương hiệu sang lĩnh vực nhà hàng, nhưng thật khó hiểu nếu McDonalds mở sang lĩnh vực bán rau quả tươi.

Nếu thương hiệu chính là Nike thì khách hàng có thể hiểu được vì sao Nike mở rộng thương hiệu sang lĩnh vực quần áo chơi golf, nhưng thật khó hiểu nếu Nike chuyển hướng sang lĩnh vực quần áo thời trang.

·   Sự tin cậy: là những thuộc tính đáng tin cậy của thương hiệu chính được áp dụng trên các sản phẩm của thương hiệu mở rộng. Chẳng hạn như: các thuộc tính của thương chính là Sony sẽ đáng tin cậy và sẽ được chấp nhận nếu Sony mở rộng thương hiệu sang máy tính xách tay và máy quay kỹ thuật số, mặc dù Sony khó được chấp nhận nếu mở rộng sang quần áo thể thao.

Nếu nhãn chính là Budweiser thì thương hiệu mở rộng sẽ có những thuộc tính thừa hưởng rất đáng tin cậy và sẽ được chấp nhận nếu mở rộng sang thị trường bia, mặc dù sẽ khó chấp nhận nếu Budweiser mở rộng sang thị trường rượu.

·   Tính chuyển đổi: là khả năng truyền đạt những kỹ năng và kinh nghiệm của thương hiệu chính sang thương hiệu mở rộng. Chẳng hạn: những kỹ năng và kinh nghiệm của thương hiệu British Airway sẽ dễ dàng chuyển sang các lĩnh vực khác của ngành vận tải hàng không như các chuyến bay nội địa và chuyến bay giá rẻ, hoặc thương hiệu American Express sẽ dễ dàng chuyển các kỹ năng và kinh nghiệm sang lĩnh vực dịch vụ ngoại hối hoặc bảo hiểm du lịch, nhưng rất khó để chuyển đổi sang ngành khác như cho thuê xe hơi.

Một yếu tố không kém phần quan trọng khi khách hàng đánh giá về một thương hiệu mở rộng là quá trình xây dựng. Tuy nhiên, xây dựng trên nền tảng rất quan trọng, nó giúp khách hàng hiểu được một phần nào đó về sự phù hợp của thương hiệu mở rộng.

Bằng cách nào để kiểm soát một thương hiệu mở rộng

Dưới đây là quy trình 5 bước được đề nghị:


1.  Nghiên cứu khởi đầu: nghiên cứu và sơ đồ hóa các thuộc tính của thương hiệu chính bằng cách sử dụng kỹ thuật nghiên cứu khám phá không cấu trúc để suy ra cấu trúc thuộc tính thương hiệu chính mà khách hàng của thương hiệu này mong đợi.

2.  Triển khai nghiên cứu khởi đầu: sử dụng kết quả nghiên cứu khởi đầu để phát triển và thảo luận theo nhóm các ý tưởng cho thương hiệu mở rộng. Với các đề nghị trên, các nhà quản lý có thể xem xét chúng phù hợp/không phù hợp để mở rộng dựa trên thương hiệu chính.

3.  Đầu tư cho sự phù hợp: nghiên cứu và đánh giá ý kiến của nhóm khách hàng chính về sự phù hợp của thương hiệu mở rộng đối với thương hiệu chính. Hãy chắc chắn rằng mẫu lấy được là đại diện cho nhóm khách hàng sẽ mua sản phẩm mở rộng.

4.  Lựa chọn sự mở rộng: mở rộng thương hiệu với các nghiên cứu nhắm vào mức độ phù hợp cao nhất của thương hiệu chính đối với thương hiệu mở rộng. Nếu bạn muốn kiểm tra xem thương hiệu nào kém phù hợp hơn so với thương hiệu chính, hãy nhận dạng cấu trúc nào ít phù hợp và sau đó giấu nó dưới dạng quảng cáo, tiếp thị hoặc tăng mức độ phù hợp lên.

5.  Kiểm soát sự mở rộng thương hiệu:  hãy chắc chắn rằng thương hiệu đã được sơ đồ hóa sau khi thương hiệu mở rộng được nhận dạng rằng có cơ hội tốt tồn tại cùng với thương hiệu chính.

Sunday 20 February 2011

8 sai lầm lớn trong marketing



Trong hoạt động tiếp thị không có một “bản đồ” rõ ràng chỉ ra đâu là đường đến thành công, đâu là đường dẫn đến thất bại. Dưới đây là tám sai lầm lớn trong tiếp thị mà các doanh nghiệp trẻ hay mắc phải.


Chỉ làm tiếp thị khi công việc Kinh doanh đi xuống

Để công việc Kinh doanh được phát triển, bạn cần phải xây dựng một chương trình tiếp thị có mục tiêu rõ rang và chương trình này phải được thực hiện thường xuyên bên cạnh những công việc hằng ngày của công ty. Một trong những sai lầm mà các doanh nghiệp trẻ hay mắc phải là chỉ tập trung vào một số khách hàng quen thuộc mà bỏ qua hoạt động tiếp thị thường xuyên nhằm Tìm kiếm những khách hàng mới. Họ chỉ quay lại công tác tiếp thị khi công việc Kinh doanh đang có chiều hướng xuống dốc. Chính điều này sẽ làm cho một doanh nghiệp khó “sống” khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào, việc mất bớt khách hàng là việc không thể tránh khỏi, bởi vậy nếu không làm tiếp thị thường xuyên, số lượng khách hàng của công ty bạn có nguy cơ sẽ bị “teo” lại cho đến khi bạn buộc phải đóng cửa.


Các chiến dịch tiếp thị thiếu tập trung

Thông thường, những doanh nghiệp trẻ hay gặp thất bại trong công tác tiếp thị vì nhắm đến quá nhiều đối tượng khách hàng khác nhau trong khi ngân sách dành cho tiếp thị lại quá hạn hẹp. Tập trung vào những khách hàng thật sự đang muốn nghe điều bạn nói, bạn sẽ tránh được những thất bại này. Khi hướng những nổ lực tiếp thị vào một nhóm khách hàng mục tiêu đã được chọn lựa chính xác, bạn sẽ thu được những kết quả tốt đẹp.

Hãy lập ra danh sách những khách hàng tiềm năng tốt nhất và dồn hết những nổ lực tiếp thị của bạn cho nhóm khách hàng này.


Bỏ qua việc nghiên cứu và thử nghiệm thị trường

Bạn nghĩ rằng hàng triệu người sẽ mua sản phẩm hay sử dụng dịch vụ của công ty bạn nhưng bạn có tin chắc vào điều đó không? Trước khi bỏ nhiều tiền bạc ra để giới thiệu doanh nghiệp mới của mình, bạn hãy thực hiện nghiên cứu thị trường. Có thể xem Internet là một trong những nguồn thông tin tốt nhất để bạn thực hiện điều này. Bạn có thể sử dụng những “chat room” (câu lạc bộ tán gẫu) trên Internet để lấy ý kiến phản hồi từ khách hàng và những tư liệu cần thiết mà không phải tốn kém quá nhiều chi phí. Hay bạn cũng có thể thử nghiệm thị trường bằng cách thực hiện những cuộc khảo sát với các nhóm khách hàng tiềm năng. Nếu làm tốt việc nghiên cứu và thử nghiệm thị trường, bạn sẽ tránh được những thất bại do những giả định sai về sản phẩm, dịch vụ hay khách hàng gây ra.


Chỉ lệ thuộc vào vài phương thức tiếp thị

Thông thường, bạn có khuynh hướng chỉ lệ thuộc vào một vài phương thức tiếp thị mà bạn cảm thấy “thuận tay “ nhất. Chẳng hạn, nếu thích gặp gỡ và nói chuyện với mọi người, bạn thường chọn cách tạo quan hệ trực tiếp (networking). Còn nếu bạn là người hay e dè, bạn có thể chọn cách gửi thư. Đây chính là một sai lầm lớn trong tiếp thị, bởi vì như vậy, thông điệp tiếp thị của bạn sẽ bị giới hạn và không hướng đến được nhiều đối tượng khách hàng. Do vậy, khi hoạch định chương trình tiếp thị, bạn hãy chọn nhiều hình thức khác nhau để có thể tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng., bất kể là bạn đang ở giai đoạn nào của chu kỳ Kinh doanh.


Chi “chưa tới” cho hoạt động tiếp thị

Việc đầu tư cho ngân sách tiếp thị cũng quan trọng không kém gì việc đầu tư vào máy móc thiết bị và những công cụ khác để vận hành doanh nghiệp. Nếu bạn đi vay tiền ở ngân hàng, bạn có thể sẽ phải giải trình cho ngân hàng kế hoạch và ngân sách dành cho tiếp thị của công ty bạn. Bởi nếu không có hoạt động tiếp thị hoặc hoạt động này không được đầu tư đúng mức, có khả năng bạn sẽ không trả được nợ vay ngân hàng do không bán được hàng. Ngay cả khi bạn không cần vay tiền ngân hàng hoặc của một ai khác, bạn cũng cần phải chi cho hoạt động tiếp thị một cách thoả đáng nhằm đạt được các mục tiêu hàng năm về doanh số.


Không xây dựng được một hình ảnh chuyên nghiệp

Những tài liệu, hồ sơ, vật dụng mà bạn sử dụng cho hoạt động tiếp thị sẽ nói lên hình ảnh của công ty bạn. Để thành công trong tiếp thị, bạn cần phải trang bị cho mình một loạt công cụ có tính nhất quán và Liên kết với nhau để làm nổi bật hình ảnh công ty so với các đối thủ cạnh tranh khác. Bạn cũng nên nhận thức tầm quan trọng của khách hàng về hình ảnh của công ty khi họ tiếp xúc với công ty qua điện thoại. Chẳng hạn, việc sử dụng hộp thư thoại, thu âm lời chào khách hàng nghe có vẻ “chuyên nghiệp” và trả lời các cuộc điện thoại gọi đến trong vòng 24 giờ cũng là một cách giúp bạn “đánh bóng” hình ảnh chuyên nghiệp của công ty mình.


Không quan tâm đến khách hàng hiện hữu

Thường, khi chuyện Kinh doanh đang phát đạt, bạn có khuynh hướng chỉ tập trung vào những khách hàng mới mà bỏ quên các khách hàng hiện hữu. Bạn sẽ phải trả giá cho sai lầm này. Bởi lẽ, bạn sẽ phải mất nhiều thời gian và chi phí hơn để thuyết phục khách hàng mới mua hàng so với việc khuyến khích khách hàng cũ tiếp tục mua hàng. Hãy lập ra một danh sách khách hàng hiện hữu hoặc khách hàng thân thiết và bảo đảm rằng các chương trình tiếp thị của bạn có hướng đến những nhóm khách hàng này.


Xem thường vai trò của công nghệ

Trong thời đại hiện nay, khi mà công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, phát triển không ngừng, bạn sẽ không đạt được nhiều thành công trong công tác tiếp thị nếu như không ứng dụng được những tiến bộ của công nghệ vào lĩnh vực này. Chẳng hạn, hiện nay phần mềm quản lý quan hệ khách hàng và chương trình qua Internet là hai công nghệ hay được các công ty trên thế giới sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động tiếp thị. Dù bạn đang ở giai đoạn nào của chu kỳ Kinh doanh, thành công chỉ đến khi bạn không ngừng tìm ra những phương thức mới và tốt hơn để giao tiếp với khách hàng hiện hữu cũng như khách hàng tiềm năng. Công nghệ mới sẽ giúp bạn thực hiện điều đó.


Sáu cạm bẫy khi tung sản phẩm mới ra thị trường


Tung một sản phẩm mới, một dịch vụ mới hay một giải pháp mới ra thị trường luôn là huyết mạch của hầu hết các công ty. Song bất kể tầm quan trọng là thế, quá trình này thường gặp nhiều khó khăn do những sai lầm trong vận dụng hay phân bổ các nguồn lực thiếu thích hợp.

Nhiều sai lầm mà các công ty mắc phải là hết sức cơ bản, thường xuyên và trải rộng nhiều ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Dưới đây là 6 sau lầm phổ biến nhất trong quá trình tung một sản phẩm/dịch vụ mới ra thị trường mà các công ty cần quan tâm để tránh xa.

1. Đưa ra một sản phẩm trước khi có thị trường hay khách hàng

Thoạt nghe rất cơ bản, nhưng đây là sai lầm phổ biến nhất trong quá trình tung một sản phẩm/dịch vụ mới ra thị trường, bắt đầu tư chu trình phát triển sản phẩm. Nhiều công ty xây dựng một khái niệm sản phẩm mới trước khi có những nghiên cứu thích hợp về tính thu hút của nó đối với những khách hàng mục tiêu.

Mặc dù khái niệm ban đầu có thể đúng đắn, sẽ rất quan trọng với việc xác định chính xác những mong muốn của khách hàng, sản phẩm/dịch vụ mới sẽ đáp ứng các yêu cầu đó như thế nào và thị trường lẫn khách hàng có sẵn lòng trả tiền hay không.

Ví dụ: Một nhà sản xuất điện gia dụng khoảng 2 tháng trước khi tung ra một sản phẩm mới đã phát hiện ra rằng hầu hết các khách hàng thực sự mong muốn một cấu hình khác biệt, một ổ điện ở vị trí mới cùng những đặc tính khác mà các kỹ sư không lường trước được.

Một vài biện pháp rất đơn giản như thăm dò thị trường, phỏng vấn trực tiếp với số ít các khách hàng mục tiêu là đủ để làm rõ nhu cầu của khách hàng, đồng thời giúp công ty tiết kiệm số lượng lớn tiền bạc lãng phí thời gian và nguồn lực phát triển sản phẩm/dịch vụ.

2. Một tập thể thiếu thích hợp

Các doanh nhân thành đạt trên thế giới từ lâu đã nhận ra rằng một tập thể quản lý mạnh là yếu tố quyết định thành công cụ một sản phẩm mới hay một dự án mới. Trên thực tế, nhiều công ty lớn sẽ nói với bạn rằng họ luôn chọn một tập thể quản lý mạnh hơn là một nền tảng công nghệ hiện đại.

Một ý tưởng lớn với một tập thể xoàng sẽ dẫn tới những kết quả nghèo nàn, trong khi một khái niệm ít nổi bật bởi có thể dẫn tới thành công lớn qua một tập thể những người chơi có kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức.

Các công ty đang có kế hoạch tung một sản phẩm ra thị trường nên có những quan tâm tương xứng tới việc lựa chọn một tập thể đảm trách thích hợp. Các nhà quản lý sản phẩm, các giám đốc tiếp thị và các nhà quản lý chung có thể là những lựa chọn logic theo chức năng để đảm nhận trọng trách, nhưng việc tung ra thị trường sản phẩm/dịch vụ mớ yêu cầu sự phối kết hợp giữa sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và sự khéo léo nhìn ra các chi tiết.

Vì thế, các công ty nên xây dựng một tập thể đảm trách có đủ kinh nghiệm đa chức năng và chiều sâu các kỹ năng cần thiết cho quá trình đặc biệt này.

3. Một phương thức lối mòn

Những công ty tung một sản phẩm/dịch vụ mới ra thị trường theo những nguyên tắc cơ bản quen thuộc thường mắc phải sai lầm này: Trong một nỗ lực để đảm bảo sự nhất quán và nguyên tắc xuyên suốt một quá trình cố định, họ bỏ qua sự sáng tạo vốn có thể tạo ra những khác biệt lớn giữa một kế hoạch thành công và kế hoạch xoàng.

Ví dụ: Một công ty giải pháp IT đã phát triển một ban danh mục chi tiết những vicẹ cần làm khi ra thị trường để chắc chắn rằng các nhà quản lý sản phẩm, các nhà quản lý tiếp thị và đội ngũ nhân viên tham gia không mắc phải những sai lầm trệch khỏi định hướng chung.

Tuy nhiên, cùng với thời gian, bản danh mục này dần thay thế những hoạch định và phân tích quan trọng cho nhiều yếu tố và thậm chí mỗi vài điểm thiết yếu của việc tung sản phẩm mới ra thị trường. Các nhà tiếp thị đơn thuần làm đúng theo những nhiệm vụ được vạch ra sẵn mà quên đi việc đưa ra các câu hỏi khó, dẫn tới kết quả lãng phí nhiều nguồn lực trong nhiều khu vực khác nhau. Một số còn đầu tư không hiệu quả.

4. Sự tiếp cận một chiều và đơn chức năng

Một trong những sai lầm khá quan trọng khác nằm ở việc thiếu mối liên kết tổ chức giữa các mắt xích khi tung một sản phẩm/dịch vụ mới ra thị trường: Tập thể bán hàng và các kênh phân phối đã được đào tạo và chuẩn bị tương thích? Dịch vụ khách hàng đã sẵn sàng? Những trợ giúp kỹ thuật đã được đảm bảo đầy đủ? Tất cả các bộ phận này và những bộ phận khác của công ty đã đồng lòng với cơ hội mới và biết rõ những gì cần thực hiện để đạt được nó?

Bằng việc xây dựng những nỗ lực tập thể chung cho quá trình tung sản phẩm/dịch vụ mới ra thị trường, các công ty sẽ cải thiện đáng kể những kết quả sau cùng.

5. Hối hả tới thất bại

Trong một nỗ lực để trở thành người đều tiên ra thị trường hay mau chóng đạt được kết quả, nhiều công ty đã vội vã phát triển sản phẩm mà quên mất giá trị của thành công dài hạn.

Nhiều bước quan trọng bị bỏ qua, bao gồm các nghiên cứu cở bản, phát triển các bản dùng thử và hợp tác đa chức năng,... Tất cả chúng đều rất quan trọng để hiểu rõ thị trường và đáp ứng tốt các mong đợi của khách hàng cũng như của công ty.

Những sai lầm tương tự cũng mắc phải khi lựa chọn một chiến thuật tiếp thị và bán hàng, định vị nhãn hiệu, định giá, trợ giúp hoạt động cùng các quyết định quan trọng khác.

Rất thường xuyên, các công ty mau mau chóng chóng hướng tới những chiến thắng nhanh chóng biểu hiện ở các doanh số ban đầu nhằm cho thấy các kết quả tích cực đối với ban quản trị cấp cao, các cổ đông và nhiều nhà đầu tư khác.

Nhiều tháng sau, khi mà các kết quả ban đầu dần mờ nhạt, công ty mới nhận thấy các khó khăn trong dài hạn.  Rõ ràng, việc dành thời gian cho những bước đi thận trọng không đồng nghĩa với việc giảm tốc độ tung sản phẩm/dịch vụ mới ra thị trường.

6. Thất bại trong học hỏi

Rất ít công ty dành thời gian để tìm hiểu về các thành công và thất bại liên quan tới quy trình tung sản phẩm/dịch vụ mới ra thị trường thông qua những đánh giá tiền khởi động. Cơ hội bị bỏ lỡ này khiến công ty gặp nhiều khó khăn trong những nỗ lực tiếp theo, vốn thường là các thách thức tương tự.

Bằng việc dành thời gian để rõ ràng nhận ra và hiểu được các bài học rút ra từ những kinh nghiệm lẫn trải nghiệm, các công ty có thể đẩy mạnh các hoạt động và quy trình - trở nên hiệu quả hơn, có kiến thức hơn và năng lực hơn trong khi đặt mình tới gần hơn các thành công trong tương lai.

Friday 18 February 2011

Quảng cáo thực phẩm cho trẻ em – câu chuyện chưa có hồi kết


Tháng 6 năm 2002, tạo một cuộc triển lãm về đề tài bảo vệ sức khỏe của người dân Mỹ, Tổng thống Bush đã phát biểu rằng “Một nước Mỹ khỏe mạnh là một nước Mỹ mạnh mẽ!”. Tổng thống Mỹ muốn nhắn gửi một thông điệp rằng, các công dân nước này nên tập thể dục đều đặn và tuân thủ các chế độ ăn kiêng nhằm tiết kiệm các chi phí của chính phủ trong việc chữa chạy căn bệnh béo phì. Vấn đề béo phì đang biến thành cuộc chiến chống cholesterol tại nước này. Các chính trị gia gọi vấn đề béo phì là mối đe dọa có độ nguy hiểm xếp hàng thứ hai sau nguy cơ khủng bố. Theo số liệu thống kê của Trung tâm quốc gia về sức khỏe Hoa Kỳ, hàng năm có tới 300 nghìn người dân Mỹ tử vong vì liên quan đến căn bệnh béo phì. Các trung tâm phòng bệnh thì lo sợ rằng, chuyện thừa cân đang trở thành nguyên nhân chính khiến hàng trăm nghìn người tử vong mỗi năm. Điều đáng nói là, theo tờ The Guardian, trong số các bệnh nhân mắc chứng bệnh béo phì có tới 3.3% trẻ em dưới 11 tuổi. Các bác sĩ cho rằng, nguyên nhân chính gây ra căn bệnh béo phì ở trẻ em là do thói quen xem tivi hàng giờ liền và vấn nạn quảng cáo thức ăn nhanh trên các kênh truyền hình Mỹ.

Cả xã hội chống lại McDonald’s 

Một trong những hãng thức ăn nhanh hàng đầu của thế giới là McDonald’s đang phải hứng chịu búa rì dư luận. Năm 2004, trong làn sóng phản đối sản phẩm của hãng này đã có không ít đơn kiện của dân chúng. Người tiêu dùng cáo buộc hãng thực ăn nhanh này sản xuất các sản phẩm không an toàn cho sức khỏe và quảng cáo ...láo cho các sản phẩm gây béo phì của hãng. Họ cho rằng, McDonald’s đã lừa dối người tiêu dùng khi giấu nhẹm các thông tin về thành phần sản phẩm.

Một nghiên cứu của Hiệp hội các chuyên gia tâm lý Hoa Kỳ được thực hiện vào năm 2004 đã đổ thêm dầu vào lửa. Hiệp hội này đã kiến nghị Chính phủ Mỹ nghiêm cấm các doanh nghiệp quảng cáo nhắm đến trẻ em dưới 7 tuổi vì chúng chưa thể “hiểu được hàm ý khẳng định của thông điệp quảng cáo”.

Nghiên cứu của Millward Brown trong năm 2003 cho thấy rằng, trẻ con có trí nhớ đối với các nhãn hiệu được quảng cáo trên truyền hình tốt hơn 3 lần so với người lớn.

Muộn hơn chút nữa, vào ngày 26/2/2004, Henry J. Kaiser Family Foundation – một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ đã công bố chương trình nghiên cứu về chứng bệnh béo phì ở trẻ em. Bản nghiên cứu này cho thấy rằng, từ 1963-1970 đến 1999-2000, tỷ lệ trẻ em từ 6-11 tuổi mắc chứng bệnh béo phì đã tăng từ 4.2% đến 15.3%, từ 12-19 tuổi – 5-16%. Bản nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này là do các hãng thức ăn nhanh đã quảng cáo sai lệch về sản phẩm của mình. 70% trẻ em từ 6-8 tuổi tin rằng, các sản phẩm thức ăn nhanh bổ dưỡng hơn so với thức ăn mà cha mẹ chúng nấu ở nhà.

Các hãng thức ăn nhanh phản ứng kịch liệt đối với bản nghiên cứu này. Sau khi các bản nghiên cứu này được công bố, McDonald’s, Burger King, Jack in the box và Subway đã đưa thêm món salat vào thực đơn, cho dù món rau xanh này rõ ràng là chưa thể đủ.

Ngay lập tức, các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống gây béo thay nhau cắt giảm tần suất quảng cáo trên truyền hình. Kraft Foods đã cam kết sẽ giảm lượng đường và chất béo trong các sản phẩm của mình đồng thời ngưng quảng cáo một số sản phẩm như bánh quy Ogeo hay nước ngọt Kool-Aid vốn trước đây nhắm đến các thượng đế nhí dưới 12 tuổi. 1/3/2005, PepsiCo thông báo sẽ ngưng quảng cáo sản phẩm Pepsi và Cheetos vốn dành riêng cho nhóm trẻ em dưới 8 tuổi. Theo số liệu của Consumer For Freedom, con số các clip quảng cáo tại Mỹ trong năm 2004 đã giảm đi 10.000 so với năm 2003.

Dura Lex, Sed Lex 

Theo luật pháp Hoa Kỳ về quảng cáo trên truyền hình nhắm đến đối tượng trẻ em (Children’s Television Act, 1990), quảng cáo trong các chương trình thiếu nhi thường được hạn chế ở mức 10.5 phút cho một chương trình dài một giờ đồng hồ vào ngày nghỉ và 12 phút đối với các ngày bình thường. Còn tại các quốc gia châu Âu, quảng cáo trong các chương trình dành cho thiếu nhi thường phải tuân theo chỉ thị “Truyền hình không biên giới” được cập nhật lần cuối cùng vào năm 1997 với mức hạn chế là 12 phút cho một chương trình truyền hình kéo dài một giờ đồng hồ. Hiện nay, các nhà lập pháp của các quốc gia châu Âu đang xem xét lại chỉ thị này.

Tại một số quốc gia châu Âu, ví dụ như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Bỉ, quảng cáo hướng đến đối tượng trẻ em đều bị cấm ngay trước, trong và sau các chương trình truyền hình thiếu nhi. Còn tại Úc, các nhà quảng cáo được phép quảng cáo tối đa 5 phút trong chương trình dài một giờ đồng hồ. Tại thành phố Quebec của Canada, quảng cáo hướng đến trẻ em hoàn toàn bị cấm trong các chương trình có 15% khán giả là trẻ em  dưới 13 tuổi. Tại Hà Lan hoặc một số vùng của Bỉ, quảng cáo kẹo bánh trên truyền hình bắt buộc phải có thông tin hay hình ảnh đi kèm về bàn chải đánh răng.

Khi tạo dựng clip quảng cáo dành cho trẻ em, có một số kỹ thuật phổ biến sau đây.  

Sử dụng nhân vật trong phim hoặc trong các chương trình thiếu nhi. Theo kết quả nghiên cứu của Lippman & McKay trong năm 2001, trung bình có khoảng 10-12 chiến dịch quảng cáo diễn ra trong một năm với sự kết hợp giữa thực phẩm ăn nhanh và phim ảnh. Năm 1996, McDonald’s kỳ hợp đồng hợp tác với Walt Disney Company, hãng kem Baskin Robbins sử dụng các nhân vật trong phim hoạt hình “Sinbat – Huyền thoại 7 biển” chuỗi thức ăn nhanh Applebee’s Neighborhood Grill – nhânv ật từ phim hoạt hình “Joanna, biên niên sử về rau quả. Coca Cola đưa hình ảnh Harry Porter vào bao bì sản phẩm của hãng và sử dụng hình ảnh nhân vật này vào quảng cáo truyền hình, còn “Người nhện” trở thành nhân vật cho sản phẩm kem Popsicles.

Sử dụng các biểu tượng thể thao hoặc các ngôi sao nghệ thuật trong quảng cáo sản phẩm. Năm 2003, “người hùng” quảng cáo cho kẹo cao su là các vận động viên bóng chuyền Sammy Sosa và Michael Piaza. Coca-Cola và McDonald’s đều là nhà tài trợ cho các giải đấu thể thao Olympics. Còn PepsiCo lại sử dụng hàng loạt ngôi sao thể thao trong quảng cáo như David Beckham, Anna Kurnikova...đồng thời tài trợ cho giải bóng đá quốc gia Mỹ, giải bóng chuyền và Hiệp hội bóng đá Hoa Kỳ. Các nhãn hiệu Bubblicious Bubble Gum, RC Cola, M&M’s và Stouffer’s Foods tài trợ cho giải bóng chuyền thanh thiếu niên Mỹ.

Cách thức hiệu quả thứ ba trong việc tạo dựng cip quảng cáo – áp dụng kiểu “marketing hoa quả” (Fruit Marketing) hay còn gọi là sự định vị các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe thành thực phẩm có lợi cho sức khỏe bằng cách “bổ sung” các vi ta min và hoa quả. Ví dụ, trong một mẩu quảng cáo trên tạp chí Sports Illustrated for Kids của năm 2001 có hình ảnh của một chàng thanh niên trẻ tuổi đang vứt trái cây đi. Cho dù trong sản phẩm được quảng cáo – sữa chua Jolly Rancher - không hề chứa các trái cây tươi. Trong các loại nước giải khát V8 Splash của hãng Campell và Kool-Aid của hãng Kraft chỉ có 10% nước ép trái cây, cho dù trên nhãn sản phẩm có in hình trái cây thật.

Ở Anh, béo phì cũng đang trở thành một vấn đề gây nhức đầu cho các bậc phụ huynh cũng như các chuyên gia y tế. Tại xứ sở của sương mù này, có  đến 2.6% bé gái và 1.7% bé trai mắc chứng bệnh béo phì. Các chương trình quảng cáo dành cho trẻ em cũng bị hạn chế: 7.5 phút quảng cáo cho một chương trình kéo dài một giờ đồng hồ tính từ 7.00-9.00 và từ 18.00-23.00, 7 phút quảng cáo cho chương trình một giờ đồng hồ trong các khoảng thời gian còn lại. Hiện nay, các nhà lập pháp nước này đang bàn luận về một dự luật mới nhằm hạn chế việc quảng cáo các sản phẩm béo, mặn và ngọt (kể cả đồ ăn lẫn thức uống). Theo dự luật này, việc quảng cáo các sản phẩm nói trên sẽ bị cấm phát sóng trước 21.00 hàng ngày. Ngoài ra, chính phủ nước này còn dự định phân loại màu sắc thực phẩm để người tiêu dùng dễ chọn lựa. Ví dụ, các sản phẩm có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng sẽ được dán nhãn màu xanh, các sản phẩm không gây hại cho sức khỏe và chấp nhận được – nhãn màu vàng, còn các sản phẩm có nguy cơ gây ra bệnh béo phì sẽ có nhãn màu đỏ.

Các doanh nghiệp quảng cáo lớn tại Mỹ và các quốc gia châu Âu đã tỏ ra không mấy hài lòng với chính phủ khi thượng đế nhí của họ được bảo vệ bằng các luật định nghiêm ngặt. Có một sự thật rõ ràng là, dưới áp lực và các thủ thuật “vận động hành lang” của các doanh nghiệp quảng cáo lớn, nhiều quốc gia đã và đang “làm ngơ” trước nguy cơ tử vong của trẻ em vì căn bệnh béo phì. Dan Yaffe, phó chủ tịch của Hiệp hội quốc gia các nhà quảng cáo Hoa Kỳ cho rằng, “việc coi quảng cáo các thực phẩm gây béo là nguyên nhân chính gây ra tử vong cho trẻ em thực sự là một vấn đề lớn nhưng chưa ai có thể khẳng định được điều đó là đúng. Vì thế, bất cứ động thái nào nhằm hạn chế quảng cáo hướng đến trẻ em cũng đều vi phạm hiến pháp.” Dick O’ Brian – Phó chủ tịch các hãng quảng cáo Hoa Kỳ cũng đồng tình với Dan rằng “Chúng ta đang tìm cách chống lại căn bệnh béo phì. Tuy nhiên, hãy thử nhìn vào kinh nghiệm của Thụy Điển và Canada để thấy rằng, việc hạn chế quảng cáo hướng đến trẻ em không giải quyết được vấn đề.”

Theo số liệu của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ, chi phí quảng cáo cho thực phẩm trên toàn thế giới trong năm 2000 là 26 tỷ đô-la.

Nhiều hãng quảng cáo cũng đã lớn tiếng ủng hộ O’Brian và Yaffe nhằm bảo vệ nguồn lợi nhuận béo bở mà họ có được từ các thượng đế nhí. Theo số liệu của Leung & Vranica, trong năm 2003, sản phẩm Happy Meal đã mang lại 3.5 tỷ đô la cho McDonald’s. Tháng Giêng năm 2005, General Mills, Kellogg và Kraft Foods đã sát cánh cùng Hiệp hội các hãng quảng cáo Hoa Kỳ để tạo ra một liên minh nhằm chống lại các động thái của Chính phủ trong việc hạn chế quảng cáo thực phẩm dành cho trẻ em.

Đầu tháng Giêng năm 2005, tại Anh, McDonald’s đã phát cho các thực khách tí hon của mình những tờ bướm có ghi rõ ràng thành phần dinh dưỡng có trong sản phẩm tại các nhà hàng của hãng đồng thời đính kèm cuống vé xem phim Super Size Me, trong đó nhân vật chính Morgan Sparlok bắt đầu thử nghiệm các vấn đề liên quan đến sức khỏe sau khi dùng thức ăn nhanh trong vòng một tháng. Hãng này cũng thông báo về việc xem xét lại, thậm chí là khả năng thanh lý hợp đồng với các nhân vật nổi tiếng như Justin Timberlek và nhóm Destiny’s Child.

Larry Lait, giám đốc marketing của McDonald’s Worldwide nói rằng “Chúng tôi đang muốn thu hút phụ nữ tới nhà hàng của mình sau khi nghĩ ra sản phẩm Happy Meal. Theo tính toán của chúng tôi, có gần 40% phụ nữ tới McDonald’s. Đó là các bà mẹ dẫn con cái mình đến McDonald’s.”

Thật thú vị là, mặc dù cả xã hội lên tiếng phản đối các hình thức quảng cáo thức ăn nhanh gây béo phì, doanh số bán hàng trong năm 2005 của McDonald’s tại câu Âu đã tăng lên 5.4% so với cùng kỳ năm trước. Dường như khẩu vị đặc biệt của các món khoai tây chiên và hambuger McDonald’s đang ngày càng quyến rũ không chỉ trẻ em mà còn cả người lớn đến với nhà hàng.  

Tuesday 15 February 2011

Mối quan hệ hai chiều giữa nhãn hiệu và nơi khởi nguồn của nó

Quần Jean Pepe London, Custo Barcelona và nước khoáng Evian (đặt theo thị trấn của Evian-les-Bains) chỉ là một vài ví dụ của việc làm thế nào các nhãn hiệu lớn dựa vào nơi được đặt tên có thể tạo ra những thương hiệu cạnh tranh hơn. Theo Gildo Seisdedos, giáo sư tại Instituto de Empresa, và Cristina Mateo, một nhà tư vấn tại Hội đồng thành phố Madrid, những người gần đây đã nghiên cứu về sự đóng góp mà những nhãn hiệu dựa vào địa danh khiến cho việc quản lý thành công trên thị trường toàn cầu thì mối quan hệ này đến cả từ hai hướng. Bản nghiên cứu “Commercial and Place Brands, a Two-way Road”, được tiến hành với 3000 nhãn hiệu từ hơn 50 quốc gia có tên trong các báo cáo của Interbrand, một hãng tư vấn hàng đầu quốc tế. Báo cáo của họ đã nghiên cứu gần 100 trường hợp. Còn theo như phần đầu của bản nghiên cứu, các tác giả đã giải thích với Universia-Knowledge@Wharton rằng họ vừa phát triển một ma trận có liên quan đến “cảm xúc đối với nơi được đặt tên – thể hiện là trục hoành của ma trận – và việc thấy được nhãn hiệu đó trên thị trường là trục tung của ma trận đó.” Theo cách đó, họ đã giải thích rằng: “chúng tôi đã tạo ra một trục tọa độ mà trên đó chúng tôi có thể xác định hiệu quả vị trí từng nhãn hiệu toàn cầu.”

Bản chất của một nhãn hiệu

Những tác giả đó, họ nghiên cứu kỹ nguồn gốc của những nhãn hiệu thương mại cũng như những vị trí địa lý được trở thành tên gọi của nhãn hiệu. Bản nghiên cứu của họ giải thích được làm thế nào mà mối quan hệ hai chiều đó lại tồn tại mãi qua cả lịch sử. Seisdedos và Mateo giải thích rằng sự trôi qua của thời gian không hề có bất kỳ ảnh hưởng cơ bản nào lên bản chất tự nhiên của việc đặt nhãn hiệu. Mục đích lịch sử quan trọng của việc đặt nhãn hiệu chỉ là để xác định được ai hoặc vị trí nào là nơi khởi nguồn của một sản phẩm. Các tác giả khẳng định với chúng tôi rằng: “giá trị của một nhãn hiệu không chỉ được nhận biết bởi những người tiêu dùng, những người sẽ thưởng cho các nhà sản xuất tốt nhất bằng chính lòng trung thành của họ, mà còn bởi chính những nhà sản xuất, những người đã ý thức được rằng những nhãn hiệu của họ phải biểu trưng cho những sản phẩm chất lượng tốt” đã có từ xa xưa rồi.

Cũng theo các chuyên gia, một nhãn hiệu hùng mạnh luôn có được một lợi thế cạnh tranh hết sức ý nghĩa cũng như vô cùng khó khăn cho những đối thủ nhái theo nó. Tuy nhiên, càng ngày càng khó tìm được những sản phẩm hay dịch vụ mà thực sự độc tôn. Ngày nay, hầu hết sự đổi mới đều xuất phát từ những thay đổi rất nhỏ về mẫu mã, giá cả và chất lượng sản phẩm. Và để thành công, bạn phải nhấn mạnh được sự lôi cuốn đầy cảm xúc về nhãn hiệu của bạn, mà như thế thì nó đòi hỏi phải có một sự đầu tư nghiêm túc về tiếp thị.

Tuy nhiên, sự tương xứng kinh tế của các nhãn hiệu đều được nhân lên rất nhiều lần bởi các nhãn hiệu luôn được đánh giá như các tài sản thực sự so với những tài sản chung khác của công ty. Lấy ví dụ như các tác giả đã giải thích sức mạnh của Coca Cola. Giá trị của nhãn hiệu này được ước tính hơn 65 tỉ đô la, hoặc thậm chí còn hơn một nửa số vốn hoạt động của công ty này. Đó là bởi vì một nhãn hiệu hùng mạnh có thể tạo ra một vòng quay tiền mặt được dự đoán nhiều hơn nhờ vào việc quảng cáo lòng trung thành của người tiêu dùng.

Các chuyên gia cũng nói rằng các nhãn hiệu tốt được xây dựng dựa trên niềm tin của những người tiêu dùng thì chúng sẽ không bị lãng quên. Vậy nên, các tác giả cho rằng: những tổ chức, công ty và cả những địa danh hy vọng phát triển được thành công nhãn hiệu của riêng mình thì cần phải biết làm thế nào để xây dựng được một nhãn hiệu luôn luôn hấp dẫn những người mua bởi đáp ứng được các mong muốn của họ.

Vai trò của địa danh trong các nhãn hiệu kinh doanh

Ở một khía cạnh khác, các địa danh cũng trở thành những đặc tính quan trọng đối với một nhãn hiệu thương mại nổi tiếng, bởi sự phát triển kinh doanh trong một lĩnh vực cụ thể thường được tập trung chủ yếu chỉ vào trong một thành phố hoặc một vùng riêng biệt. Có lẽ ngành kinh doanh rượu vang là ví dụ rõ ràng nhất về việc làm thế nào mà tên một địa danh có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo dựng nhãn hiệu, bởi chúng ta mua một chai Roija (một nhãn hiệu địa danh) chứ không phải là một chai Ramon Bibao (một nhãn hiệu thương mại). Thế nên một số người đã gọi chất lượng về tên địa lý này là một “nhãn hiệu chung”. Mô hình Địa Trung Hải cũng đang được áp dụng ở Pháp, Ý, và cả Tây Ban Nha. Còn ở các nước nói tiếng Anh, chẳng hạn như Mỹ và Úc, thì hệ thống xây dựng nhãn hiệu đó hoạt động theo một cách hoàn toàn khác, bằng cách kết hợp nhãn hiệu thương mại và tên của quốc gia được bắt nguồn từ khu vực đó. Ví dụ như “Nó là một chai rượu vang của Úc mang nhãn hiệu Cloudy Bray.”

Và cũng bởi sự toàn cầu hóa mà những thay đổi trong các quá trình sản xuất cũng vừa làm thay đổi cách mà các nhãn hiệu thương mại sử dụng khái niệm về lãnh thổ. Những huyền thoại về sự đổi mới công nghệ lan tỏa khắp thung lũng Silicon, California, đang củng cố cho những nhãn hiệu như Google, Cisco và Apple. Nhưng những sản phẩm và dịch vụ này đã được tạo ra trong một mạng lưới toàn cầu về tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực. Để minh họa cho mối quan hệ mới giữa các nhãn hiệu với địa danh, bạn chỉ cần lật lại đằng sau một chiếc iPod, bạn sẽ đọc thấy: “Được thiết bởi hãng Apple ở California, được sản xuất tại Trung Quốc”. Trong trường hợp này, nói theo các tác giả thì: “nhãn hiệu được địa danh hỗ trợ và ngược lại. Chúng tự nuôi lẫn nhau và có một nhân tố khác làm cho sự phức tạp lớn hơn. Đề cập tới trong trường hợp này là ‘được sản xuất tại Trung Quốc’.”

Như vậy là mối quan hệ giữa các nhãn hiệu và tên địa danh vừa thay đổi theo những thuộc tính về phía các địa danh. Vì vậy mà họ đã viết trong nghiên cứu của mình rằng: “Cho tới tận lúc này, rõ ràng ‘được sản xuất tại Trung Quốc’ chưa được nhận thức theo một cách tin cậy, nhưng trong tương lai ‘được sở hữu bởi Trung Quốc’ có thể ngày càng trở nên gia tăng hợp lý đối với các nhà tiếp thị khi đưa ra một viễn cảnh rằng nơi đó có thể có tới 50 công ty Trung Quốc lọt vào danh sách 500 công ty toàn cầu do tạp chí Fortune bình chọn. Và đôi khi, đó lại là điều mà chính phủ Trung Quốc háo hức muốn đạt được.”

Nguồn gốc của những nhãn hiệu dựa theo địa danh

Theo như bản nghiên cứu, việc sử dụng các địa danh với mục đích xây dựng nhãn hiệu thì có từ rất lâu rồi. Thậm chí những nền văn minh cổ đại như Đế chế La – mã đã đóng vai trò như những thương hiệu theo các giá trị văn hóa, những nét đồng nhất và cả quyền lực của nó. Thỉnh thoảng, một hình ảnh nhân tạo về một địa danh có thể xây dựng nên được cả một sự thống nhất xuyên suốt lịch sử. Những địa danh đóng vai trò như các nhãn hiệu bởi vì mọi người đều muốn tự hào về nơi xuất xứ của mình. Vậy nên các tác giả đã nói rằng: “Lẽ tất nhiên là việc nhân lên hình ảnh của các thành phố, các nền văn hóa và cả những sự trải nghiệm đều trở thành thành phần quan trọng nhất của toàn bộ quá trình xây dựng nhãn hiệu.”

Trong suốt thế kỷ 19, chính quyền mới được lập nên của các nước đều sử dụng tất cả quyền lực để thống nhất các ngôn ngữ và những tôn giáo của họ, và cũng để tạo ra ý thức về sự thống nhất quốc gia xuyên suốt thông qua phương tiện như nền giáo dục quốc gia được chuẩn hóa. Và trong hoàn cảnh này, các tác giả đã nhận xét rằng: “việc tạo dựng nên một sản phẩm bắt nguồn từ một đất nước đã trở nên rất quan trọng, và điều đó vẫn còn giữ nguyên giá trị tới tận ngày hôm nay”.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, một trật tự toàn cầu mới đã nổi lên và những đối thủ cạnh tranh mới cũng đã xuất hiện trong bối cảnh đó. “Nó trở nên rõ ràng rằng thế giới đã sắp bị thống trị bởi một số quốc gia đã có được một lợi thế cạnh tranh mà không chỉ vì những nguồn tài nguyên thiên nhiên lâu đời của chúng. Khi không phải tất cả mọi nước đều có thể cạnh tranh trong mọi lĩnh vực và ngành kinh doanh thì chúng sẽ cạnh tranh với nhau bằng cách tập trung vào những ngành kinh doanh cụ thể và các phân khúc thị trường.” Và trên thực tế, các tác giả giải thích rằng: ”Hình như, một số công ty mà đã đổi mới hầu hết đều đến từ những quốc gia có nét đặc trưng riêng chứ không nhất thiết là phải từ những quốc gia khác nữa. Đó chính là lý do vì sao chúng tôi lại bị cuốn vào việc tìm hiểu vai trò của những tên địa danh trong việc xây dựng các nhãn hiệu thương mại đến như vậy.”

Các tác giả cũng đã phát triển một mô hình có liên quan tới mức độ mà một nhãn hiệu theo tên địa danh được sử dụng như một nhãn hiệu thương mại theo sự phổ biến của chính thị trường đích của nhãn hiệu đó. Và một ví dụ có liên quan đó là nước Pháp. Quốc gia này đã trở thành một thương hiệu thông qua lễ hội mà nó vẫn thường tổ chức – đó là lễ hội mùi hương. Lẽ dĩ nhiên, giờ đây khi nhắc tới Pháp người ta luôn coi đó là biểu tượng của vẻ đẹp và “sự quyến rũ”.

Mối quan hệ giữa lãnh thổ và nhãn hiệu

Trong ma trận của mình, các tác giả đã xác định được bốn loại quan hệ giữa các nhãn hiệu thương mại, hay nói một cách khác đó là cách mà các nhãn hiệu đã sử dụng tên các địa danh để củng cố cho chính chúng. Đầu tiên, đó là những thương hiệu “đang nổi” được cạnh tranh trên hầu hết các thị trường và không phụ thuộc vào bất kỳ tên địa danh nào để làm mạnh cho nhãn hiệu của chúng. Những nhãn hiệu đó được đặt vào góc tọa độ phía trên bên trái của ma trận. Các tác giả viết rằng: “Một ví dụ về điều này đó chính là Zara, đó là nhãn hiệu Tây Ban Nha duy nhất xuất hiện trong các báo cáo của Interbrand mà không hề nhắc tới việc ‘thuộc Tây Ban Nha’ của nó. Và nếu bạn có hỏi những người không ở Tây Ban Nha rằng xuất xứ của Zara ở đâu thì trong nhiều trường hợp mọi người chẳng thể trả lời nổi câu hỏi này.”

Tại sao lại như vậy? Tại thời điểm này theo nghiên cứu của họ, các tác giả có thể mới chỉ phỏng đoán. Giải thích cho quan điểm này chỉ có thể bằng những bằng chứng về địa lý, họ cho rằng: “Vùng đất Tây Ban Nha, cho tới bây giờ, từng được đề cập tới thông qua các bức ảnh Tây Ban Nha khá khuôn sáo (chẳng hạn như mặt trời và các bãi biển). Và ở mức độ thiết kế và trong những lĩnh vực cụ thể, có lẽ nó không thực sự phù hợp để phụ thuộc vào hình ảnh đó của Tây Ban Nha.” Chắc chắn, các nhãn hiệu như Custo Barcelona trong lĩnh vực may mặc thực sự đang bắt đầu tạo ra việc sử dụng các địa danh cụ thể để củng cố cho những nhãn hiệu của họ, cho dù những địa danh đó chỉ là một quốc gia, một thành phố hoặc một khu vực cụ thể.

Ngược lại với Zara, có một phân loại các nhãn hiệu khác được biết đến như “các vị đại sứ”. Những nhãn hiệu đó cạnh tranh ở thị trường nước ngoài nơi chúng sử dụng nhãn hiệu địa danh với một cảm xúc lôi cuốn mạnh hơn, và chúng có thể được tìm thấy ở góc tọa độ phía trên bên phải trong ma trận của các tác giả. Một ví dụ ngay cho trường hợp này đó chính là IKEA, nó cạnh tranh ở mức độ toàn cầu nhưng luôn nhắc tới xuất xứ Thụy Điển của mình; biểu tượng tập đoàn của nó thậm chí còn sử dụng màu của lá cờ Thụy Điển. Một kiểu nhãn hiệu khác thì được gọi là “các nhóm quý tộc”. Những nhãn hiệu này được hỗ trợ ngang nhau nhờ các giá trị kết hợp với một tên địa danh cụ thể, nhưng chúng lại có một chiến lược phù hợp, và sự phổ biến thị trường của chúng thì hẹp hơn là của “các vị đại sứ”. “Các nhóm quý tộc” được đặt ở góc tọa độ phía dưới bên phải của ma trận. Chiến lược xây dựng thương hiệu của chúng là dựa vào những điều liên quan tới “các yếu tố đồ họa thị giác chẳng hạn như biểu tượng, tên tập đoàn, và cả vào việc nhãn hiệu đó được giới thiệu tới công chúng như thế nào trong việc quảng cáo, trên trang web, tóm lại là tất cả”.

Hai công ty Tây Ban Nha cùng thuộc nhóm phân loại này đó chính là Osborne, một hãng sản xuất rượu vang và rượu ban-đi (rượu mạnh) của Tây Ban Nha, và Lladro - đại diện cho mọi thứ về Andalucia. Theo các tác giả, trong một số trường hợp thì: “chiến lược xây dựng nhãn hiệu của ‘nhóm quý tộc’ có thể là hướng tốt để cạnh tranh, và bạn có thể không muốn chuyển nó thành một chiến lược có một thị trường lớn hơn. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, nếu bạn muốn nhãn hiệu của bạn có được sự hiện diện trên thị trường nước ngoài thì bạn có thể đẩy sự kết hợp của nó với một địa danh cụ thể để theo được với một thị trường lớn hơn.”

Một phân loại các nhãn hiệu khác nữa được gọi là “những kẻ giả mạo”. Chúng cũng có một phạm vi hoạt động hẹp nhưng chúng không khẳng định lãnh thổ nguồn gốc của mình. Chúng nằm ở góc tọa độ phía dưới bên trái của ma trận. “Một ví dụ đó là một nhãn hiệu về những thời trang thuộc Andalucia được biết đến là Vittorio y Lucchino, trông nó dường như là một nhãn hiệu của Ý nếu bạn chỉ đơn thuần nhìn vào tên nhãn hiệu bằng tiếng Ý của nó. Công ty làm thế bởi vì nước Ý vừa được sử dụng kết hợp với những giá trị cụ thể, và bản thân nước Ý hầu như đại diện cho phong cách đó.” Cho tới tận bây giờ, không phải “Spain” mà cũng không phải “Andalucia” gợi lên được phong cách giữa những người tiêu dùng, vì vậy mà những người bán lẻ thời trang Tây Ban Nha vừa sử dụng cách tiếp cận khác để xây dựng nhãn hiệu. Tuy nhiên, các tác giả cũng giải thích rằng: “Chúng tôi vừa thấy được điều chủ yếu giành cho các nhãn hiệu tham gia thị trường Mỹ. Điều này có thể trả tiền cho các nhãn hiệu nếu chúng tạo ra được một nhãn hiệu dựa trên tên một địa danh Tây Ban Nha hoặc ít nhất là sự mở rộng của cái khác. Và trong trường hợp của Vittorio y Lucchino – một nhãn hiệu quá tinh quái – thì nó có thể được sử dụng là ‘Seville,’ ‘Andalusia’ hoặc ‘Spain’.”

Phong cảnh luôn thay đổi

Liên quan tới những quốc gia “mới nổi”, các tác giả viết rằng: “các quốc gia đó đều rất nhận thức rằng họ sẽ phải phụ thuộc vào việc xây dựng nhãn hiệu thương mại bởi vì cách tiếp cận đó sẽ là một loại con dấu kiểm duyệt các sản phẩm của họ.” Một ví dụ đó chính là Hàn Quốc, quốc gia sau cùng được mời tới ARCO, một lễ hội nghệ thuật hiện đại ở Madrid. Hàn Quốc đã phát động một chiến dịch quảng cáo mà theo đó, chủ tịch của Samsung – một công ty của Hàn Quốc, đã mời người Tây Ban Nha tham gia ARCO để hiểu biết hơn về Hàn Quốc. Phu nhân của vị chủ tịch cũng có mặt trong chiến dịch quảng cáo đó. “Chúng tôi đang nhận thấy rất nhiều sáng kiến thú vị hướng vào việc thu hút các khoản đầu tư và quyền lợi ở những quốc gia mới nổi, chẳng hạn như Hàn Quốc.” Một ví dụ khác nữa đó là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang cố gắng thu hút đầu tư trong các công ty đang có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ chứ không nhất thiết phải là của người Thổ Nhĩ Kỳ gốc. Và trong trường hợp này, việc quảng cáo được thực hiện bằng những nhãn hiệu toàn cầu thay đổi theo thị trường mà từ đó Thổ Nhĩ Kỳ muốn thu hút đầu tư. Nên ở Tây Ban Nha, khẩu hiệu quảng cáo của họ là “Mango Loves Turkey”.

Khi một công ty không làm được tốt công việc quản lý các mối quan hệ giữa các nhãn hiệu kinh doanh cùng các địa danh của nó thì “nó có thể kết thúc việc trở thành một kinh nghiệm buồn đối với chính quốc gia đó”, các tác giả cảnh báo như vậy. Bởi khi càng ngày càng nhiều nhãn hiệu sản phẩm thương mại cũng như việc phân chia lãnh thổ chính những nhãn hiệu đó theo mốt để trở thành các thương hiệu, thì có nghĩa càng ngày chúng càng phải được nhận thức về những liên quan của việc sử dụng những nhãn hiệu theo lãnh thổ một cách hẹp hơn. “Giống như Real Madrid (tên một đội bóng) đã trở thành một nhãn hiệu ‘vị đại sứ’, hoặc Air Madrid (đã xây dựng nhãn hiệu của mình khắp thành phố thủ đô của Tây Ban Nha). Tuy nhiên, năm 2006, Air Madrid đã bị phá sản và hãng hàng không này nên cân nhắc kỹ xem khi một công ty lại đăng ký với một cái tên chẳng hạn như Madrid thì kết quả có thể hóa ra cũng buồn chăng, và như thế thì không chỉ cho công ty đó mà còn cho cả địa danh đó. Vậy nên việc đánh giá bên ngoài sẽ cho chúng ta một lời khuyên hành động”, các tác giả giải thích. Còn “bản nghiên cứu nhỏ của chúng tôi mới chỉ xem xét được những liên quan về việc xây dựng nhãn hiệu thương mại và các nhãn hiệu theo tên địa danh hiện nay. Và chúng tôi cũng vừa có được một cái nhìn tốt hơn trong việc phân loại các nhãn hiệu thương mại nhờ mối quan hệ giữa nguồn gốc đặt tên và các hoạt động của chúng trên thị trường. Tuy nhiên, đây là một thị trường luôn thay đổi, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh toàn cầu khốc liệt như hiện nay, nơi mà các địa danh mới và các nhãn hiệu mới liên tục xuất hiện. Thế nên, mối quan hệ giữa các thị trường và chiến lược sử dụng các tên địa danh sẽ đưa ra cho chúng ta một số lựa chọn chiến lược hấp dẫn trong một môi trường như vậy.”

Bí quyết marketing dịch vụ


Hiện nay, trong vòng một tuần lễ, gần như phần lớn người tiêu dùng tại các thành phố lớn ngày nay không thể không sử dụng ít nhất là một dịch vụ từ các công ty khác nhau. Cho dù ghé qua tiệm rửa xe, sơn sửa văn phòng hay sửa chữa chiếc máy giặt, họ đều cần đến một dịch vụ từ các nhà cung cấp. Việc duy trì những mối quan hệ khách hàng mạnh mẽ được xem là chìa khoá tạo dựng thành công của các nhà cung cấp này.

Khi sử dụng một dịch vụ nào đó, đa phần người tiêu dùng cảm thấy họ sẽ rủi ro hơn so với việc mua một sản phẩm hữu hình. Điều này là tự nhiên khi mà sản phẩm là hữu hình trong khi dịch vụ lại vô hình. Tâm lý chung là khách hàng không biết hết được mình sẽ nhận được những gì từ một dịch vụ cho đến khi họ bỏ tiền ra và thử nghiệm dịch vụ đó.

Trong hoạt động marketing nói chung, marketing dịch vụ làm một khía cạnh khá khác biệt so với marketing các sản phẩm thông thường. Hai chữ "dịch vụ" hàm ý tới những mối quan hệ giao tiếp mang tính cá nhân hơn. Hiểu theo nghĩa nào đó, marketing dịch vụ chính là marketing những cam kết, hứa hẹn của doanh nghiệp sẽ cung cấp cho người tiêu dùng một vài lợi ích nào đó.

Và nếu công ty của bạn đang cung cấp những sản phẩm dịch vụ vô hình, một chiến dịch marketing với những yếu tố thích hợp nhằm xây dựng các mối quan hệ bền vững là vô cùng thiết yếu cho thành công.

1) Để các khách hàng biết rõ bạn

Những mối quan hệ tốt được xây dựng trên cơ sở lòng tin. Vì vậy, việc các khách hàng mong muốn biết nhiều nhất có thể về công ty bạ,n về những con người bên trọng đó là điều gì đó hết sức tự nhiên.

Đặc biệt, người tiêu dùng nữ giới thường tìm kiếm những thông tin sâu hơn khi quyết định lựa chọn một công ty hay một dịch vụ, và số đông khách hàng cả nam lẫn nữ thường tiến hành tìm hiểu qua mạng internet trước khi ra quyết định sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào đó. Xây dựng trang web công ty là cách thức thông minh và hiệu quả để truyền tải những thông tin sâu rộng về hoạt động dịch vụ của bạn.

Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm những nhà cung cấp website với nhiều giao diện bắt mắt và dễ sử dụng. Trên trang chủ, hãy thể hiện các lợi ích của dịch vụ bạn cung cấp không kém gì một catalog in ấn nghiêm chỉnh của công ty bạn. Hãy đưa lên trang web các câu truyện về công ty, các hình ảnh và tiểu sử đội ngũ nhân viên,.... Và cho thấy công ty của bạn có thể cung cấp đúng những gì đã cam kết như thế nào qua các nhận xét của khách hàng hiện tại, các bài báo,....

2) Cạnh tranh dựa trên giá trị

Điều gì sẽ khiến các khách hàng lựa chọn công ty bạn hay các đối thủ cạnh tranh của bạn? Hầu hết sẽ lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ nào đưa ra được những giá trị lớn nhất cho đồng tiền của họ.

Trong nhiều thị trường cạnh tranh, không có sự khác biệt về giá cả giữa những đại gia lớn nhất. Vì vậy, cách thức tốt nhất để dành phần thắng kinh doanh không phải cắt giảm giá cả mà chìa khoá nằm ở việc bổ sung thêm các sản phẩm hay dịch vụ giúp nâng tầm chào mời của bạn, khiến các chào mời trở nên hấp dẫn không thể chối từ được. Đó được gọi là "bọc gói" (bundling).

Hãy dành thời gian để phát triển các gói dịch vụ của bạn mà bạn biết chắc rằng sẽ lôi cuốn các khách hàng. Bạn có thể thử nghiệm nhiều lời chào khác nhau cho đến khi thấy được những gì hiệu quả nhất, sau đó định kỳ sửa đổi chúng để các ý tưởng của bạn không ngừng tươi mới.

3) Thu hút khách hàng bằng những khích lệ

Những khách hàng nào có được các trải nghiệm tích cực với dịch vụ của công ty bạn trong quá khứ sẽ hạnh phúc quay trở lại. Nhưng việc cám dỗ các khách hàng mới đòi hỏi một chào mời đặc biệt hơn.

Các doanh nghiệp cung cấp những dịch nhà cửa như sơn sửa, dọn dẹp thảm, sửa chữa điều hoà,...có thể có được nhiều lợi ích bằng việc gửi các phiếu giảm giá, khuyến mại hay miễn phí cho những dịch vụ khác có liên quan.

Các phiếu này có thể gửi tới khách hàng trong từng lần cung cấp dịch vụ hoặc gửi đồng loạt qua bưu điện.

Vì những kết quả dài hạn, bạn cần tạo dựng những chào mời đặc biệt sẽ khích lệ các khách hàng mới để có được nhiều hơn những lần sử dụng dịch vụ khác nhau từ khách hàng.

4) Giữ liên lạc với khách hàng

Việc giữ chân một khách hàng cũ ít tốn kém hơn nhiều so với việc tìm kiếm được một khách hàng mới, vì vậy việc duy trì một chiến dịch để kết nối liên tục với các khách hàng hiện tại là hết sức cần thiết.

Trên thực tế, nếu bạn không liên lạc với các khách hàng trong cơ sở dữ liệu của bạn ít nhất một lần trong bốn đến sáu tuần, bạn đang lỡ mất cơ hội tăng trưởng kinh doanh.

Hãy sử dụng phối kết hợp các chiến thuật bán hàng và marketing để giữ liên lạc với các khách hàng, chẳng như các cuộc gọi bán hàng xen kẽ với những email hay thư bưu điện quảng cáo. Thay vì gửi đi duy nhất một giao tiếp trong một chào hàng nào đó, hãy rải rác các giao tiếp của bạn với khách hàng trong các email định kỳ hay những giao tiếp khác miễn là các thông tin giá trị và thích hợp.

Bạn cũng nên có thói quen định kỳ sử dụng các giao tiếp tiếp thị để đề nghị khách hàng giới thiệu bạn với người khác. Ví dụ, bạn có thể gửi đi các câu truyện thành công và đề nghị người nhận gửi chuyển tiếp nó tới bạn bè và gia đình của họ - những người cũng thích có được các kết quả tương tự.

Bằng việc cung cấp các thông tin sâu rộng về công ty bạn cho các khách hàng mới và những chào mời lẫn giao tiếp không ngừng tới những khách hàng hiện tại, bạn sẽ tạo ra một chiến dịch tương tác giúp xây dựng thành công những mối quan hệ khách hàng vững bền.